Theo PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, số lượng các trường đại học tại Việt Nam triển khai giáo dục xuyên quốc gia tăng theo từng năm.
Các thông tin về đào tạo hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học được PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh cùng các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm "Giáo dục xuyên quốc gia: Đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam". Tọa đàm do Chương trình UWE Bristol@ Phenikaa Campus và VnExpress phối hợp tổ chức, diễn ra ngày 10/3.
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm ngày 10/3. Ảnh: Liêm Nguyễn
PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh cho biết ông bất ngờ vì khi so sánh Việt Nam với các nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Thái Lan, Indonesia thì thấy thị trường giáo dục xuyên quốc gia (Transnational Education - TNE) của Việt Nam rất phát triển, với các số liệu tăng mạnh theo từng năm.
Theo Hesa, năm 2021, Việt Nam là một trong những thị trường giáo dục xuyên quốc gia lớn thứ ba ở Đông Nam Á đối với Anh Quốc khi có hơn 7.000 sinh viên theo học. Đặc biệt, từ 2017 đến nay, mỗi năm số sinh viên tăng đều đặn 24 - 40%.
"Việt Nam là thị trường mở. Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng tăng lên của TNE là điều đáng khích lệ vì giáo dục Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mới để phát triển hơn nữa", vị PGS.TS nhận định.
Tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong giáo dục
Bà Lê thu Hiền, Quản lý chương trình giáo dục, Hội đồng Anh tại Việt Nam giải thích giáo dục xuyên quốc gia là chương trình giáo dục của một trường nước ngoài được cung cấp ở Việt Nam. Sinh viên theo học chương trình này có cơ hội được cấp bằng nước ngoài.
"Hợp tác giáo quốc tế trong giáo dục rất quan trọng, bởi thông qua hội nhập sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như chất lượng của nền giáo dục Việt Nam", bà Hiền nhấn mạnh.
TS. Đồng Xuân Đảm - Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế Trường Đại học Phenikaa, Giám đốc Chương trình Cử nhân Quốc tế UWE Bristol@ Phenikaa Campus cho biết thêm trước đây nói đến du học là phải ra nước ngoài, cùng mức học phí cao, chứng minh tài chính... Với TNE, những nỗi lo trên sẽ được giải quyết.
TNE có nhiều hình thức, như các chương trình nhượng quyền toàn bộ, nhượng quyền một phần ở Việt Nam, hoặc chương trình đánh giá và thừa nhận một phần ở Việt Nam và một phần nước ngoài. Trong đó, phổ biến nhất là chương trình nguyên bản và chương trình liên thông.
Chương trình nguyên bản có yêu cầu cao về hợp tác như khả năng quản lý, triển khai chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất. Sinh viên theo học chương trình này phải tuân thủ 100% lịch trình, tài liệu, tiêu chí chấm điểm, hoạt động tích lũy tín chỉ như trường đối tác, nhưng học tại Việt Nam.
Chương trình liên thông là học một phần chương trình Việt Nam hoặc chương trình cao đẳng ở Việt Nam (học hai năm) sau đó học một năm theo chương trình đối tác và được trường đối tác cấp bằng cử nhân. Theo TS. Đảm, mô hình này phù hợp với người vừa học vừa làm, những người đã có kinh nghiệm làm việc muốn nâng cao kiến thức, kỹ năng nên cách đào tạo dựa trên trải nghiệm chủ yếu của người học.
Trong khi chương trình nguyên bản yêu cầu cao về phương pháp học tập nghiên cứu độc lập, đòi hỏi sinh viên phải tập trung phát triển tư duy nghiên cứu, logic tổng thể. Bài tập trong quá trình đánh giá cũng khác nhau. Một lợi thế nữa khi học chương trình nguyên bản, theo bà Hiền là khi tốt nghiệp sinh viên sẽ được cấp bằng do trường nước ngoài cấp, ra trường sinh viên có thể làm việc tại Việt Nam hoặc nước ngoài đều được vì bằng cấp được quốc tế công nhận.
Ví dụ điển hình về mô hình đại học nguyên bản tại Việt Nam là Chương trình Cử nhân Quốc tế UWE Bristol@ Phenikaa Campus. Đây là dự án hợp tác giáo dục đại học giữa Trường Đại học University of the West of England, Bristol, Vương quốc Anh (UWE Bristol) và Trường Đại học Phenikaa.
Chia sẻ lý do hợp tác với Đại học UWE Bristol, thầy Khánh cho biết, trường cần một đối tác đồng hành uy tín và UWE Bristol đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, như xếp thứ 24 trong số 121 cơ sở đào tạo của Vương quốc Anh, theo bảng xếp hạng The Guardian năm 2023. Trường cũng nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu thế giới, theo bảng xếp hạng của Times Higher Education 2023 và có hơn 10 năm kinh nghiệm tại thị trường giáo dục Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo thầy Đảm, hai đơn vị ngay từ đầu cũng cùng chung mong muốn tìm ra cơ hội để khỏa lấp những khoảng trống khi triển khai chương trình nguyên bản Anh quốc tại Việt Nam, từ đó phát triển mô hình này với những bổ sung mới nhằm đáp ứng đa dạng đối tượng thí sinh. Đơn cử, nếu sang Anh, thí sinh phải đáp ứng ngay yêu cầu ngoại ngữ tối thiểu. Với chương trình tại Việt Nam, trường đưa ra lộ trình phù hợp điều kiện tiếng Anh đầu vào của thí sinh, để vừa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng chương trình nguyên bản nhưng vẫn cá thể hóa được năng lực của từng em.
Đặc biệt, khi học chương trình nguyên bản UWE Bristol@ Phenikaa Campus, sinh viên có cơ hội được thực tập ngay từ năm nhất và năm ba, thay vì đợi đến năm cuối như một số chương trình khác. Nằm trong hệ sinh thái doanh nghiệp của Tập đoàn Phenikaa với hơn 30 đơn vị thành viên, nên khi áp dụng mô hình thực tập ngay từ năm đầu tiên, sinh viên được trải nghiệm và làm việc trong các dự án chuyên nghiệp tại môi trường doanh nghiệp thực tế.
"Chúng tôi kỳ vọng cách tiếp cận này sẽ giúp sinh viên sớm sẵn sàng với thị trường lao động thực tế, đồng thời giải quyết câu chuyện nhiều sinh viên tốt nghiệp cả năm chưa tìm được việc làm, hay làm việc không đúng ngành", ông Đảm cho hay.
Sinh viên theo học chương trình UWE Bristol tại Phenikaa Campus. Ảnh: Phenikaa
UWE Bristol@ Phenikaa Campus tuyển sinh 7 chuyên ngành
Ngoài những thông tin trên, các chuyên gia tại tọa đàm chia sẻ nhiều thông tin mới về tuyển sinh năm 2024 tại UWE Bristol@ Phenikaa Campus. Chương trình tuyển sinh theo hai lộ trình, xuất phát từ điều kiện tiếng Anh đầu vào, đó là lộ trình Global COOP (đối với thí sinh đã đủ điều kiện tiếng Anh tương đương IELTS 6.0 hoặc UWE Test 6.0) và lộ trình Foundation (dành cho thí sinh chưa đủ điều kiện tiếng Anh tương đương IELTS 6.0 hoặc UWE Test 6.0).
Chương trình được đào tạo trong bốn năm. Sau khi học hết ba năm tại Việt Nam, sinh viên có hai lựa chọn là học chuyên ngành theo giáo trình của Đại học UWE Bristol tại Việt Nam hoặc học chuyên ngành theo giáo trình của Đại học UWE Bristol tại Vương Quốc Anh (UWE Bristol - Frenchay Campus).
Hiện chương trình tuyển sinh 7 chuyên ngành bao gồm: Quản trị Kinh doanh, Kinh doanh và Marketing, Quản trị Sự kiện, Kế toán và Tài chính, Khoa học Máy tính - Trí tuệ nhân tạo, Khoa học Máy tính - Phát triển thiết bị thông minh và Công nghệ Thông tin. Có ba đợt tuyển sinh chính bao gồm tháng 3, tháng 6 và tháng 9.
Để thu hút thí sinh xuất sắc, chương trình mở ra nhiều cơ hội nhận học bổng cho học sinh có thành tích trong học tập và các hoạt động cộng đồng. 6 loại học bổng đầu phù hợp với mọi đối tượng tuyển sinh với tiêu chí dựa trên thành tích, năng lực, kỹ năng, hồ sơ xin học bổng và kết quả phỏng vấn của từng bạn.
Nguyễn Phượng
Nguồn: https://vnexpress.net/viet-nam-nhu-ngoi-sao-dang-len-trong-hop-tac-dao-tao-quoc-te-4721223.html